Rosemead, Sept. 2009

 

 Queena và các cháu thân thương,

Về tên họ trong con cháu tộc Nguyễn-Phước Việt-Nam, có nhiều trường-hợp rắc rối, từ khi nhà vua mất chủ quyền, và Phủ Tôn-Nhơn không còn đóng vai trò nhà vua giao phó. Ngày xưa nước ta dùng chữ Nôm chữ Nho, ngày nay dùng chữ quốc ngữ, đó cũng là vấn đề.

Muốn cho dễ hiểu, chúng ta ngày nay ở Mỹ, nên giải thích cho con cháu biết gốc gác của chúng ta :"tộc Nguyễn Phước", có liên hệ sâu xa đến hai giai-đoạn lịch-sử ngày xưa của đất nước Việt-Nam :

Giai-đoạn đầu, Ngài Nguyễn Hoàng làm Chúa phương Nam tức một nửa nước Việt trên danh nghĩa còn dưới quyền vua Lê, giai-đoạn sau, Ngài Nguyễn-phúc Ánh làm Vua toàn cõi nước Việt-Nam.

Trở về trước, gia đình các vị Chúa sinh hoạt trong dân gian, chưa có nhu cầu cần sắp xếp gì cả.

Khi Vua Minh-Mạng, kế vị Vua Gia-Long Nguyễn-Phúc-Ánh, lên ngôi, Ngài mới đặt ra Phủ Tôn Nhơn có quyền hạn và trách-nhiệm sắp đặt trật-tự gia đình đông đảo của mình theo quy củ rõ ràng. Sau nầy, do quy-củ đó bị phá vỡ, có sự tùy tiện thêm bớt thay đổi nên những sự rắc rối  đã xẩy ra mỗi ngày một nhiều thêm. Dù sao, nhờ quy củ đó, mà ngày nay chúng ta biết gốc gác của mình, con vua hay cháu chúa, cư xử đúng đắn với bà con đông đảo tản mác khắp năm châu bốn biển mà không hổ thẹn với những truyền thống tốt đẹp của tổ tiên để lại.

 

1. Giải-thích hai chữ Nguyễn-Phước và chữ lót.

Dưới thời Vua Minh-Mạng mà chúng ta (Phòng Trấn-Ðịnh) là con cháu, thì dòng họ được quy định tên họ và chữ lót như sau :

Họ (Family name) = Nguyễn.
Chữ lót (middle name) = Phước (hoặc Phúc)

Nhưng trên thực tế, tất cả con cháu của các chúa Nguyễn, và của các vị vua nhà Nguyễn, tất cả đều lấy hai chữ Nguyễn-Phước làm họ, để dễ dàng phân biệt với những họ Nguyễn khác trong dân gian.

Thời đức Minh Mạng để có sự phân minh rõ ràng trong dòng họ cho dễ nhận biết  nhau ở nhánh nào, đời thứ mấy, không bị hiểu lâm vì tuổi tác cao thấp, chức tước khác nhau, nên Phủ Tôn-Nhơn đã quy định : con cháu Vua Minh Mạng, mỗi đời lấy một chữ lót do Vua Minh-Mạng đã chế định sẵn trong bài thơ:

Miên Hường Ưng Bửu Vĩnh
Bảo Quý Ðịnh Long Trường
Hiền Năng Kham Kế Thuật
Thế Thoại Quốc Giai Xương

(Phong-tục Trung-Hoa cũng như các tông phái  Phật-giáo, Lão-giáo, các phái võ-thuật đều có những quy-tắc truyền-thừa tương-tự để giữ gìn nề nếp sinh hoạt cho có quy củ).

 

2. Hệ và Hệ Chánh.

Con cháu của một vị Vua dòng Nguyễn-Phước họp thành một Hệ gọi là Hệ Chánh. Chữ Chánh ngụ ý thuộc dòng Vua, chánh thống, có được tấn phong đúng nghi lễ trong nước.

Con cháu của một vị Chúa dòng Nguyễn-Phước cũng họp thành một Hệ nhưng không có chữ Chánh (Chúa Nguyễn hồi đó còn thuộc quyền vua nhà Lê).

Hệ Nhất Chánh gồm con cháu của Vua Gia-Long,
Hệ Nhị Chánh gồm con cháu của Vua Minh-Mạng.

Danh sách các Hệ  và Hệ Chánh xin tìm đọc trong Gia-phả (hay gia-phổ).

Xin lưu ý vì hồi xưa chúng ta nói tiếng Việt mà viết thì dùng chữ Nho, nên ngày nay chúng ta phải hiểu cả hai lối phát âm, tuy hai mà một. Ví dụ Hệ Nhị Chánh, hay Ðệ Nhị Chánh Hệ, cũng là để gọi Con cháu của Vua Minh Mạng, không nên thắc mắc đúng hay sai. 

Chúng ta là dòng dõi một vị hoàng-tử con chính-thức của Vua Minh Mạng, Ngài được mang chữ lót đầu tiên trong bài thơ là chữ Miên. Tên đầy đủ của Ngài là Nguyễn-Phước Miên-Cầu, gọi tắt là Ngài Miên Cầu, có khi còn gọi là Ngài Miên Miêu  theo khai sanh vì trùng húy (trùng tên).

Ðức Minh Mạng làm vua, trong chế độ đa thê ngày xưa, dĩ nhiên có nhiều vợ và nhiều con, nhưng Ngài đều chu đáo đối với gia-đình. Mỗi người con đều được giáo dục kỹ lưỡng về đức dục và trí dục, có tư cách xứng đáng mới được phong tước lộc.  Xem như Ngài Miên Cầu hoàng tử thứ 56 được sắc phong Quận-Công lúc còn nhỏ tuổi, có đoạn nói rõ là vì tư cách tác phong  không phải vì công lao lãnh đạo quân sự hay hành chánh.

 

3. Giải-thích nghĩa chữ Tôn-nữ, Tôn-Thất, Công Huyền tôn nữ ...

Tên cháu là Tôn-nữ Nga Mi, và có bạn học là Công-huyền-tôn nữ Bích Ðào, có khác nhau, vì sao ?

- Tôn nữ Nga Mi thuộc giòng các chúa Nguyễn, thường gọi là dòng Tôn-thất, thuộc các Hệ 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9 (không có chữ Chánh kèm theo sau). Gọi là tôn-thất, vì thời quân chủ, gia thất vị chúa tể cai trị trong nước là tôn quý.

-  Tôn nữ trong tên cô Bích Ðào lại có nghĩa khác : Ðây tôn nghĩa là cháu, huyền-tôn-nữ là cháu gái 4 đời (hay 5, 6 đời) của vị có tước Quận-công hay Quốc-công. 

    Ðời xưa, những vị có công được phong tước, có bổng lộc, con và cháu được tập tước, nhưng muốn có quan chức, vẫn phải đi học đi thi như dân thường.

    Tập tước theo quy định : Công Hầu Bá Tử Nam (hay Lang).

    Ví-dụ : Ngài Miên Cầu được phong tước Quận Công.

    Con trưởng Ngài Miên Cầu tập tước Kỳ Ngoại Hầu (Ngài Hường Chuyên).

     Cháu Ngài là ông Bửu Giám tập tước Trợ-Quốc-Lang  (thân phụ bác Vĩnh-Ca, Vĩnh-Ðề).
 

Tạm kết luận :  Muồn tìm hiểu thêm về những vấn đề thuộc lịch-sử Phòng Trấn-định và tộc Nguyễn-phước, các cháu có thể đặt câu hỏi và chúng mình có thể cùng nhau tìm hiểu để giải đáp.

 

4. Anh em ruột của Ngài Miên Miêu cũng đều có chữ Miên hết thảy.

-     Vậy những người con cháu khác của Vua Gia-Long thì như thế nào ?

Họ được gọi là Hệ Nhứt Chánh. Nhứt là vì đức Gia Long là vì Vua thứ Nhất, và cũng gọi là Chánh, vì đầu hệ là một vì Vua, con cháu một vì Vua.

Những người con và cháu của vua Gia Long được Vua Minh Mạng (qua Tôn Nhơn Phủ) cho mang chữ lót theo một bài thơ khác, ý nghĩa tốt đẹp tương tự.  Những vị hoàng thân trong lịch sử cận-đại mang tên có những chữ như : Cường ĐỂ, Tráng Cử, Tráng Liệt  đều thuộc giòng vua Gia Long vậy.
 

-     Tại sao lại có những vị được gọi là Tôn Thất ?

Tôn-thất trích nghĩa = tôn là tôn quý, thất là gia thất.

Thời quân chủ, vua là quý, gia-thất tôn quý nhất trong nước là gia thất giòng họ của Vua.

Tất cả con cháu của các Chúa Nguyễn đều được lấy hai chữ Tôn-thất làm họ.

Ví dụ : Ông Tôn-thất B thuộc Hệ Nhứt (không có chữ Chánh), có nghĩa là ông B. thuộc tộc Nguyễn Phước, con cháu vị Chúa Nguyễn thứ Nhất (Vị này làm Chúa, không làm Vua).
 

-     Tại sao những đời sau, có những vì dòng dõi con cháu các vua, thuộc các Hệ chánh, lại thêm hai chữ Tôn-Thất đang trước tên lót chính thức, ví dụ Ái-Nghĩa chẳng hạn, lại tự gọi là Tôn-Thất Ái-Nghĩa, như vậy có đúng không ?

Ðáp : Như đã nói ở trên, một giòng họ con cháu đông đảo  hàng vạn người, gặp những hoàn cảnh đặc biệt, đã có những nhận xét đặc biệt và quyết định đặc biệt để thích nghi và sống còn, dù không đúng theo quy củ xưa.

Bắt đầu từ thời kỳ phá lệ không để hai chữ NGUYỄN PHƯỚC trước tên cá nhân, thì trong giòng họ đã gặp nhiều khó khăn về hộ tịch, khi bắt đầu xa Huế đi các tỉnh và nước ngoài làm ăn, chữ lót bị hiểu lầm là họ, vì thiếu hai chữ Nguyễn Phước ở đầu. Dù ngày xưa đã có người nêu lên, những chẳng ai có thẩm quyền quyết định (Phủ Tôn Nhơn đã bị giải tán). Thành ra mỗi gia đình đành phải tùy-nghi vậy.

 

 Nhơn đây xin giải thích ý nghĩa vài chữ nho trong tên họ bà con tộc Nguyễn Phước mà chúng ta hay gặp khi tìm hiểu lịch sử đất nước và giòng họ :

-     Hoàng tử = con của Vua.
-     Hoàng nữ = công chúa, con gái của Vua.
-     Hoàng tôn = cháu,  thường là cháu nội của Vua.
-     Công tử = con trai của vị được phong tước Công (Ví dụ Ngài Nguyễn Phước Miên Miêu được phong là Quận Công, thì Hai Vị con Ngài là Nguyễn-phước Hường Chuyên và Nguyễn-Phước Hường-Thành được gọi là Công-tử Hường-Chuyên và Công-tử Hường-Thành. (Hai Vị Công tử này bị Hai ông quyền-thần Nguyễn văn-Tường Tôn-Thất-Thuyết giết vì bị đổ tội chống Pháp, có án tử hình, xử chém tại pháp trường phía tây Thành-Nội Huế).

-     Công Nữ = Con gái của vị được phong tước Công.
-     Công tôn (nam hay nữ) = tôn là cháu, công tôn là         cháu nội vị Công.
-     Công tằng tôn = cháu 4 đời vị Công.
-     Công huyền tôn (nam hay nữ) = cháu 5 đời hay xa đời của vị Công.
-     Tôn nữ thị Hoa : cô Hoa, dòng dõi một vì Chúa Nguyễn (thuộc một hệ Tôn Thất, gọi là phiên hệ, không phải chánh hệ).

Theo xưa, con cháu vị Công sau 5 đời thì không có tập tước, nghĩa là không có tước hiệu gì, cũng như dân thường vậy thôi.

       Ví dụ Bác Vĩnh, Ca Vĩnh Ðề ở Truồi không có chức tước gì của triều đình, nhưng Cha của Bác là Ông Nguyễn Phước Bửu-Giám còn được tập tước Trợ Quốc-Lang (Lang cũng là tước quan của triều-đình).

 

Nói tóm là:

Tôn Thất, hiểu cho đúng là : Tôn thất Nguyễn phước, người cháu thuộc dòng họ của một trong những vì Chúa Nguyễn-phước, ngày xưa đã  mở mang miền Nam nước Việt, và là con cháu của Đức Nguyễn Kim, Trấn-thủ đầu tiên miền đất Thanh- Hoá trở vào. Hệ Tôn thất thuộc dòng Chúa Nguyễn không có chữ Chánh đằng sau như Hệ dòng Vua Nguyễn luôn luôn có chữ Chánh kèm theo để cho dễ phân biệt.

Ví dụ Bác Tôn-Thất-Kiện y-sĩ ở Bến-Ngự Huế.

Những người ngày nay còn mang tên họ có những chữ: Vĩnh, Bảo, Quý, Định... là con cháu của các Vua Nguyễn, có lên ngôi chính thức, làm Vua chính thức sau một lễ đăng quang; Hệ của Họ có chữ Chánh (Hệ Nhì chánh, Hệ Ba chánh...)

Các chúa Nguyễn hiện còn được thờ trong Thế Miếu Ðại-Nội Huế. Còn các Vua Nguyễn được thờ tại Thái Miếu Ðại-Nội Huế (khác nhau một chút, ở hai chữ Thế hay Thái).

Những điều đáng tìm hiểu về Tộc Nguyễn Phước chúng ta rất nhiều, có thể đọc những cuốn sau đây sẽ biết thêm :

* Nguyễn phước tộc (Tộc-phả), do Bà con trong nước xuất bản.
* Nguyễn phước tộc, tiếng Anh và tiếng Việt, Hội Nguyễn Phước Tộc tại Little Saigon California xuất bản,
* Quyển Nguyễn Phước Tộc lược biên, chú Vĩnh Nạp gởi tặng.
* Trấn-Ðịnh Quận Công Phòng, Ngọc phổ, do Ông Ưng Để biên soạn (Xem website của chú Nạp). Bản chánh hồi xưa để ở trong hộp gỗ thờ tại Truồi, sau đem gởi thờ tại nhà chú Ngõa ở Huế.

 

Thân ái,

Rosemead,  Mùa  Vu-lan 2009