May 2018

Triều Nguyễn có 9 đời chúa và 13 đời vua. Khởi nghiệp từ lúc Nguyễn Hoàng vào trấn ở đất Thuận Hóa vào năm 1558 và chấm dứt khi vua Bảo Đại thoái vị vào năm 1945.

1. Các chúa Nguyễn:

Sau khi đánh thắng quân Minh và giành lại độc lập, năm 1428 Lê Lợi lên ngôi Hoàng Đế, tức vua Lê Thái Tổ, khôi phục quốc hiệu Đại Việt, đóng đô ở Thăng Long và dựng lên nhà Hậu Lê (phân biệt với nhà Tiền Lê (980-1009) do
Lê Hoàn tức vua Lê Đại Hành sáng lập). Trong bài này dùng "nhà Lê" thay cho "nhà Hậu Lê".

Nhà Lê truyền đến đời vua Lê Cung Hoàng, năm 1527 thì bị Mạc Đăng Dung cướp ngôi, lập ra nhà Mạc.

Lúc bấy giờ, một danh tướng của nhà Lê là Nguyễn Kim (1468-1545) ở Thanh Hóa, muốn khôi phục lại nhà Lê (Nguyễn Kim người làng Gia Miêu, huyện Tống Sơn, Thanh Hóa (ngày nay là Gia Miêu Ngoại Trang, thôn Gia Miêu, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa), có ba người con: con gái trưởng là Ngọc Bảo, hai người con trai kế của là Nguyễn Uông và Nguyễn Hoàng).

Năm 1530, Nguyễn Kim đem thân thuộc sang lánh nạn ở Ai Lao (Lào), được vua nước này đem người và đất Sầm Châu cấp cho. Từ đó, Nguyễn Kim chiêu binh, ngầm tìm con cháu nhà Lê. Đến năm 1532 thì tìm được một người
con của vua Lê Chiêu Tông, nên cùng với các cựu thần nhà Lê lập lên làm vua, tức vua Lê Trang Tông. Vì có nhiều công trạng, Nguyễn Kim được vua phong làm Thái Sư Hưng Quốc Công.

Trong các tướng của Nguyễn Kim có Trịnh Kiểm là người có tài, được Nguyễn Kim gả con gái là Ngọc Bảo cho.
Từ năm 1540, vua tôi nhà Lê đã nhiều lần đem quân từ Sầm Châu về đánh nhà Mạc, đến năm 1543 thì thu phục được đất Thanh Hóa và sau đó bình định cả vùng tây nam.

(Thời kỳ 1533-1592 được gọi là thời kỳ Nam - Bắc Triều. Nhà Mạc đóng đô ở Thăng Long (còn được gọi là Đông Đô, tức Hà Nội bây giờ) và chỉ có thực quyền từ địa phận Ninh Bình ngày nay trở ra, được gọi là Bắc Triều. Từ Thanh Hoá (còn được gọi là Tây Đô) trở vào là của thế lực lấy danh nghĩa gây dựng lại nhà Lê, được gọi là Nam Triều. Trong thời gian này chiến tranh vẫn tiếp diễn như trước: khi thì chúa Trịnh ra đánh Sơn Nam, khi thì vua Mạc vào đánh Thanh Hóa, nhưng hai bên không bên nào thắng được hẳn.

Năm 1545, Nguyễn Kim bị Dương Chấp Nhất là hàng tướng nhà Mạc đầu độc chết. Binh quyền từ đó rơi vào tay của con rể là Trịnh Kiểm. Con của Nguyễn Kim là Nguyễn Uông và Nguyễn Hoàng đều là tướng giỏi. Trịnh Kiểm sợ họ Nguyễn tranh mất quyền mình, nên giết Nguyễn Uông.

Nguyễn Hoàng lo sợ Trịnh Kiểm ám hại, nên cho người đến gặp Nguyễn Bỉnh Khiêm (một vị đại nho nổi tiếng, đậu Trạng Nguyên, từ quan về ở ẩn) để nhờ chỉ bảo, thì được khuyên rằng: "Hoành-sơn nhất đái, vạn đại dung thân"
nghĩa là một dãy Hoành-sơn kia có thể yên thân được muôn đời. Nguyễn Hoàng hiểu ý mới nói với chị là Ngọc Bảo xin Trịnh Kiểm cho vào trấn phía nam.
Trịnh Kiểm thấy vùng Thuận Hoá (khu vực từ Quảng Bình đến Thừa Thiên - Huế ngày nay) là nơi xa xôi, hiểm trở, đất đai cằn cỗi, dân tình chưa yên nên đồng ý. Trịnh Kiểm tâu với vua cho Nguyễn Hoàng vào trấn đất này. Vua Lê
nghe theo, nhưng buộc mỗi năm phải nộp thuế 400 cân bạc, 500 tấm lụa.
(Năm 1619, chúa Trịnh đem quân vào đánh Thuận Quảng, chúa Nguyễn lấy lý do chúa Trịnh vô cớ phát binh nên từ đó không nộp thuế nữa.)

Năm 1558, Nguyễn Hoàng đưa gia quyến, các tướng sĩ và những người thân tín vùng Thanh - Nghệ vào Thuận Hóa. Đoàn thuyền đã đi vào cửa Việt Yên (nay là Cửa Việt), đóng trại tại Gò Phù Sa, xã Ái Tử, huyện Vũ Xương (nay
là huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị); nơi này đã được chọn để lập Thủ Phủ, gọi là dinh Ái Tử. Đến năm 1570, Nguyễn Hoàng được giao thêm việc cai quản đất Quảng Nam.

Năm 1570, Trịnh Kiểm mất, trao quyền lại cho con trưởng là Trịnh Cối, nhưng bị người em là Trịnh Tùng nổi dậy đánh, đoạt lấy binh quyền. Trước đây, Trịnh Kiểm chỉ được phong tước công. Từ thời Trịnh Tùng trở đi, họ Trịnh mới
nhận tước vương khi còn tại vị, được gọi là chúa và lập thế tử, nên Trịnh Tùng được xem là vị chúa Trịnh đầu tiên.

Năm 1592, Trịnh Tùng đánh chiếm Thăng Long, bắt được Mạc Mậu Hợp, chấm dứt nhà Mạc. (Tuy nhiên, con cháu họ Mạc với sự trợ giúp của nhà Minh ở Trung Quốc vẫn được cát cứ ở Cao Bằng. Đến năm 1677 việc trấn giữ này mới chấm dứt.)

Nhưng phe nhà Mạc vẫn còn nhiều, thường đánh phá nên Nguyễn Hoàng phải đưa quân ra Thăng Long giúp chúa Trịnh và ở đó đến 8 năm, lập được nhiều chiến công lớn. Nhưng Trịnh Tùng có ý ghen ghét không muốn cho về
Thuận Hóa. Năm 1600, gặp lúc các tướng làm phản chống lại chúa Trịnh, Nguyễn Hoàng nhân đó đem quân tiến đánh, đưa cả tướng sĩ, thuyền ghe bản bộ, đi đường biển thẳng về Thuận Hóa và từ đó không ra bắc nữa.

Nguyễn Hoàng là người khôn ngoan, thu dùng hào kiệt, có lòng nhân đức cho nên ai cũng mến phục. Việc mở mang bờ cõi về phía nam cũng được chú trọng. Cuối đời Nguyễn Hoàng, giang sơn họ Nguyễn đã trải dài từ đèo Ngang, qua đèo Hải Vân tới núi Đá Bia, gần đèo Cả, bây giờ là vùng cực nam Phú Yên, giáp tỉnh Khánh Hòa.

Năm 1613 Nguyễn Hoàng mất, thọ 88 tuổi, trấn ở đất Thuận Quảng được 55 năm.

Người con thứ sáu của Nguyễn Hoàng là Nguyễn Phúc Nguyên lên nối ngôi và là người đầu tiên trong dòng dõi chúa Nguyễn mang họ kép Nguyễn Phúc. Tương truyền lúc mang thai, mẹ ông chiêm bao thấy có vị thần đưa cho một tờ giấy trên có đề chữ "Phúc". Lúc kể lại chuyện, mọi người chúc mừng bà và đề nghị lấy chữ này đặt tên cho đứa bé sắp ra đời. Nhưng bà nói rằng như vậy thì chỉ một mình đứa bé được hưởng, còn nếu lấy chữ Phúc làm chữ lót thì nhiều người trong dòng họ sẽ được hưởng phúc. Vì thế khi thế tử ra đời được bà đặt tên là Nguyễn Phúc Nguyên.

Từ năm 1627 đến 1672 đã có bảy lần đại chiến giữa quân của chúa Trịnh và chúa Nguyễn, trong đó có sáu lần chúa Trịnh chủ động đánh vào nam. Sau nhiều năm giao chiến, cả hai bên đều kiệt quệ nên phải chấp nhận đình chiến.
Sông Gianh (còn được gọi là Linh Giang) trở thành ranh giới chia nước Đại Việt thành Đàng Trong và Đàng Ngoài.

- Đàng Ngoài, do họ Trịnh nắm quyền cai trị, xưng chúa, nhận tước vương, còn vua Lê không có quyền hành gì cả. Thăng Long vừa kinh đô mà cũng là phủ chúa.
- Đàng Trong, họ Nguyễn về danh nghĩa là quan, nhận sắc phong của vua Lê, giúp vua cai quản vùng lãnh thổ phía nam, nhưng trên thực tế lại độc lập với vua Lê. Từ Nguyễn Hoàng cho đến Nguyễn Phúc Chú cũng xưng chúa, nhưng
chỉ nhận tước công nên không xưng vương. Đến đời chúa Nguyễn Phúc Khoát thì mới bắt đầu xưng vương tức Vũ Vương và tổ chức chính quyền thành một triều đình. Phủ của chúa Nguyễn sau nhiều lần đổi chỗ, cuối cùng được đặt ở Phú Xuân (nay là thành phố Huế).

Chín vị chúa Nguyễn:
1. Nguyễn Hoàng (1525 - 1613)
Đoan Quận Công (Chúa Tiên) (1558 -1613)
2. Nguyễn Phúc Nguyên (1563 - 1635)
Thụy Quận Công (Chúa Sãi) (1613 - 1635)
3. Nguyễn Phúc Lan (1601 - 1648)
Nhân Quận Công (Chúa Thượng) (1635 - 1648)
4. Nguyễn Phúc Tần (1620 - 1687)
Dũng Quận Công (Chúa Hiền) (1648 - 1687)
5. Nguyễn Phúc Thái (1650 - 1691)
Hoằng Quốc Công (Chúa Nghĩa) (1687 - 1691)
6. Nguyễn Phúc Chu (1675 - 1725)
Tộ Quốc Công (Chúa Minh) (1691 - 1725)
7. Nguyễn Phúc Chú (1697 - 1738)
Đỉnh Quốc Công (Chúa Ninh) (1725 - 1738)
8. Nguyễn Phúc Khoát (1714 - 1765)
Vũ Vương (Chúa Vũ) (1738 - 1765)
9. Nguyễn Phúc Thuần (1754 - 1777)
Định Vương (Chúa Định) (1765 - 1777)

Chúa Nguyễn thứ tám Nguyễn Phúc Khoát để di chiếu truyền ngôi lại cho con trai thứ hai là Nguyễn Phúc Luân (còn có tên khác là Nguyễn Phúc Côn, cha của Nguyễn Phúc Ánh tức vua Gia Long sau này), nhưng sau khi Nguyễn Phúc Khoát mất, một vị quan lớn trong triều là Trương Phúc Loan cùng một số gian thần đã thay đổi di chiếu, lập Nguyễn Phúc Thuần mới 12 tuổi lên ngôi, còn
Nguyễn Phúc Luân bị bắt giam và chết trong ngục. Vì chúa còn nhỏ nên Trương Phúc Loan nắm tất cả quyền hành, tự nhận là Quốc Phó, lại là người tham lam, làm nhiều điều gian ác nên trong nước lòng dân đều oán hận.

Năm 1771, ở Quy Nhơn, quân Tây Sơn do Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ cầm đầu nổi lên. Năm 1774, chúa Trịnh sai quân vào đánh chúa Nguyễn. Cả hai phía Tây Sơn và Chúa Trịnh đều nêu danh hiệu trừ Trương Phúc
Loan. Chiến tranh loạn lạc xảy ra, đất Thuận Hoá vốn trù phú mà thành ra xơ xác, tiêu điều. Tuy Trương Phúc Loan đã bị nhà Nguyễn bắt và nộp cho quân Trịnh, nhưng quân Trịnh vẫn đánh, chiếm được Phú Xuân và đặt quan cai trị
Thuận Hoá. Nguyễn Phúc Thuần mang hoàng tộc (trong đó có Nguyễn Phúc Ánh) vào Quảng Nam, nhưng bị quân Tây Sơn đánh nên phải chạy vào Gia Định (lúc bấy giờ Gia Định là tên gọi cho cả vùng đất miền nam).

Bản đồ Gia Định khoảng cuối thế kỷ 18

 

Tây Sơn cũng hòa hoãn với quân Trịnh để tập trung đánh Nguyễn ở phía nam. Đại quân Tây Sơn đánh vào Gia Định nhiều lần. Trong trận đánh năm 1777 với quân Tây Sơn tại Long Xuyên, Nguyễn Phúc Thuần và thân thuộc bị bắt và bị giết chết. Chỉ có Nguyễn Phúc Ánh là chạy thoát được.

Như vậy, các chúa Nguyễn cai quản ở Đàng Trong, truyền từ Nguyễn Hoàng đến Nguyễn Phúc Thuần được 219 năm (1558-1777). Tám đời chúa Nguyễn (từ Nguyễn Hoàng cho đến Nguyễn Phúc Khoát) đã có công rất lớn đối với dân tộc và đất nước khi kế tục nhau mở mang bờ cõi về phương nam. Lúc Nguyễn Hoàng được vua Lê cho vào trấn ở Thuận Hóa, giang san nước Đại Việt ở phía nam chỉ đến Bình Định, đến hết đời của Nguyễn Phúc Khoát thì đã đến tận Cà Mau, Châu Đốc. Như vậy, các chúa Nguyễn đã cống hiến cho tổ quốc non một nửa nước, trài dài từ Phú Yên trở vào nam, với đất đai trù phú, nguồn lợi dồi dào, rộng hơn lãnh thổ nam tiến của các triều Lý, Trần, Hồ và Hậu Lê cộng lại. Cùng với việc mở rộng lãnh thổ trên đất liền, các chúa Nguyễn còn đưa người ra khai thác, kiểm soát Côn Đảo, đảo Phú Quốc, quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa ở biển Đông và vịnh Thái Lan.

Bản đồ Đại Việt năm 1569 và 1757

2. Tây Sơn diệt chúa Trịnh, nhà Lê và đại phá quân Thanh:

Năm 1778, sau khi đánh thắng chúa Nguyễn, Nguyễn Nhạc xưng vương, lập triều đại Tây Sơn, đặt niên hiệu là Thái Đức, đóng đô tại thành Quy Nhơn, phong cho Nguyễn Lữ làm Tiết Chế, Nguyễn Huệ là Long Nhương Tướng Quân.

Năm 1786, biết quân Trịnh ở Thuận Hóa không phòng bị, Nguyễn Nhạc cử Nguyễn Huệ cùng Nguyễn Lữ đem đại binh ra đánh, trong lúc quân của Nguyễn Huệ tiến vào Phú Xuân, thì Nguyễn Lữ đem thủy quân đánh vào sông Gianh. Nguyễn Nhạc vốn chỉ có ý định đánh chiếm Phú Xuân, nhưng sau khi làm chủ từ phía Nam sông Gianh trở vào, thì Nguyễn Hữu Chỉnh (một tướng của chúa Trịnh, sau đó ra hàng Tây sơn và được Nguyễn Nhạc tin dùng) lại bàn với Nguyễn Huệ nên nhân cơ hội họ Trịnh đang suy yếu mà đánh ra bắc. Nguyễn Huệ đồng ý, quyết định tấn công ra Thăng Long lấy danh nghĩa "diệt Trịnh, phò Lê". Chúa Trịnh là Trịnh Khải không chống nổi, phải chạy lên Sơn Tây, đến làng Hạ Lôi thì bị người dân bắt đem nạp cho Tây Sơn và trên đường đi đã lấy gươm tự vẫn.

Như vậy, họ Trịnh giúp nhà Lê phục hưng, rồi giữ lấy quyền bính, lập ra nghiệp chúa, truyền 10 đời từ Trịnh Tùng đến Trịnh Khải được 216 năm (1570-1786).

Sau khi lấy được Thăng Long, Nguyễn Huệ vào yết kiến vua Lê Hiển Tông, được vua gả con gái là Ngọc Hân Công Chúa cho. Được ít lâu thì vua Lê Hiển Tông mất, vua Lê Chiêu Thống nối ngôi. Nguyễn Nhạc sợ Nguyễn Huệ ở ngoài lâu sanh biến, muốn gọi về nên đích thân ra bắc. Sau khi vào gặp vua Lê Chiêu Thống, Nguyễn Nhạc cùng Nguyễn Huệ cử tướng trong đó có Nguyễn Hữu Chỉnh trông thành Nghệ An và dẫn quân về nam. Nguyễn Nhạc về Quy Nhơn tự xưng làm Trung Ương Hoàng Đế cai quản từ Quảng Nam đến Bình Thuận, phong cho Nguyễn Lữ làm Đông Định Vương ở đất Gia Định và Nguyễn Huệ làm Bắc Bình Vương ở đất Thuận Hóa.

Bấy giờ quyền bính ở Bắc Hà thuộc về vua Lê cả, nhưng dòng dõi họ Trịnh lại nổi dậy và Trịnh Bồng lập lại phủ Chúa. Vua Lê phải vời Nguyễn Hữu Chỉnh ra đánh giúp, Trịnh Bồng thua bỏ chạy. Nguyễn Hữu Chỉnh được vua giao cho việc giữ binh quyền nhưng từ đó lộng quyền, có ý chống lại Tây Sơn, Nguyễn Huệ phái Vũ Văn Nhậm (con rể của Nguyễn Nhạc) ra tiêu diệt. Nguyễn Hữu Chỉnh bị bắt, bị xử tử, còn vua Lê Chiêu Thống chạy thoát được về Kinh Bắc.

Như vậy, kể từ khi Lê Lợi đánh thắng quân Minh, năm 1428 lên ngôi Hoàng Đế là vua Lê Thái Tổ, lập nên nhà Lê truyền đến vua Lê Cung Hoàng thì bị họ Mạc cướp mất ngôi. Sau nhờ có họ Nguyễn và họ Trịnh giúp đỡ, nhà Lê
lại trung hưng lên, truyền đến vua Lê Chiêu Thống vào năm 1788 thì chấm dứt. Tổng cộng nhà Lê làm vua được 360 năm (1428-1788).

Tuy nhiên, đến lượt Vũ Văn Nhậm lại chuyên quyền, có ý chống Nguyễn Huệ. Nguyễn Huệ phải đem quân ra bắc, giết Vũ Văn Nhậm, để Ngô Văn Sở ở lại giữ đất Bắc Hà và rút quân về Phú Xuân.

Vua Lê Chiêu Thống cho người sang Trung Quốc xin viện binh đánh Tây Sơn. Vua Càn Long của nhà Thanh muốn nhân cơ hội này đánh chiếm luôn Đại Việt, nên cuối năm 1788 sai Tổng Đốc Lưỡng Quảng là Tôn Sĩ Nghị làm chỉ huy đem 20 vạn quân huy động từ Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam và Quý Châu cùng với vua Lê Chiêu Thống tiến vào Đại Việt với danh nghĩa phò Lê. Ngô Văn Sở liệu thế không chống nổi, nên chủ động rút quân về Tam Điệp (Ninh Bình) cố thủ và cho người về Phú Xuân cấp báo. Quân Thanh vào chiếm đóng Thăng Long.

Để danh nghĩa được chính thống, Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng Đế, lấy niên hiệu là Quang Trung và đem đại binh tiến ra Bắc Hà. Đêm 30 tháng Chạp âm lịch, vua ra lệnh xuất quân, đầu tiên diệt đồn của các tướng nhà Lê, sau đó đánh tan các đồn của quân Thanh ở Hà Hồi, Ngọc Hồi, Đống Đa,… Trưa mồng 5 Tết Kỷ Dậu năm 1789, vua Quang Trung và đại quân tiến vào Thăng Long, Tôn Sĩ Nghị quên cả ấn tín cùng vua Lê Chiêu Thống chạy trốn được về Trung Quốc. Đây là chiến công hiển hách nhất của vua Quang Trung: chỉ trong vòng 5 ngày đã phá tan 20 vạn quân Thanh.

3. Các vua Nguyễn:

Sau khi chạy thoát được trong trận đánh năm 1777 với quân Tây Sơn tại Long Xuyên (trong trận này Nguyễn Phúc Thuần và thân thuộc bị bắt), Nguyễn Phúc Ánh đã tụ tập các tướng và binh lính cũ, khởi binh đánh với Tây Sơn.

Năm 1778, Nguyễn Phúc Ánh lấy lại được Gia Định và đến năm 1780 thì lên ngôi vương, nhưng không lấy niên hiệu.

Năm 1782, Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ kéo quân vào đánh Gia Định, Nguyễn Phúc Ánh thua, phải chạy về Hà Tiên, rồi ra đảo Phú Quốc. Nhưng sau khi Tây Sơn rút quân về Quy Nhơn thì quân Nguyễn tái chiếm Gia Định. Năm 1783, Nguyễn Nhạc cử Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ đem quân đánh, Nguyễn Phúc Ánh thua, phải chạy ra đảo Phú Quốc, Côn Sơn.

Nguyễn Phúc Ánh vốn là con người có chí, bất chấp gian khổ, trong lòng mong mỏi được phục quốc. Vì yếu thế, nên phải nhờ Giám mục Bá Ða Lộc đem theo con trưởng của mình là Nguyễn Phúc Cảnh sang Pháp để cầu viện.

Năm 1784, Nguyễn Phúc Ánh sang Xiêm La (Thái Lan) nhờ viện binh, được vua Xiêm cho tướng đem 2 vạn quân và 300 chiếc thuyền sang giúp. Nguyễn Huệ đem đại quân vào đánh, quân Xiêm thua bỏ chạy về nước, Nguyễn Phúc Ánh cũng theo về Xiêm La lánh nạn.

Sau khi Nguyễn Huệ ra bắc diệt họ Trịnh vào năm 1786, anh em Tây Sơn bất hoà, không để ý lắm đến vùng đất phía nam. Lợi dụng thời cơ đó, năm 1787, Nguyễn Phúc Ánh cùng với các tướng cũ từ Xiêm La trở về nước, được dân miền nam hết lòng giúp đỡ vì họ vẫn còn nhớ đến công đức của các chúa Nguyễn ngày trước, lại thêm được nhiều tướng giỏi đến phò, nên lực lượng ngày càng lớn mạnh. Quân Nguyễn tiến đánh Gia Định, Nguyễn Lữ sợ hãi bèn giao cho tướng giữ thành, rồi trở về Quy Nhơn và cuối năm 1787 thì qua đời. Đến năm 1789 Nguyễn Phúc Ánh lấy được toàn bộ đất Gia Định và bắt đầu tổ chức lại chính quyền thành một triều đình. Từ đó đất Gia Định thuộc hẳn về nhà Nguyễn.

Năm 1792, vua Quang Trung đột ngột qua đời, con là Nguyễn Quang Toản mới lên 10 tuổi được tôn lên làm vua, đặt niên hiệu là Cảnh Thịnh.

Năm 1793, Nguyễn Phúc Ánh đem quân đánh Quy Nhơn, Nguyễn Nhạc phải sai người ra Phú Xuân cầu cứu, vua Cảnh Thịnh cho quân vào giúp. Thấy viện binh đến, liệu thế chống không nổi, Nguyễn Phúc Ánh rút quân về Gia Định. Các tướng của vua Cảnh Thịnh kéo quân vào thành Quy Nhơn, chiếm giữ lấy thành trì và tịch biên cả các kho tàng, Nguyễn Nhạc thấy vậy, tức giận thổ huyết mà chết.

Thấy thế lực Tây Sơn đã suy yếu, năm 1799, Nguyễn Phúc Ánh lại cử đại binh ra đánh lấy được thành Quy nhơn và đổi tên là Bình Định, để Võ Tánh và Ngô Tùng Châu ở lại, rồi đem quân về Gia Định. Đến đầu năm 1800, quân Tây Sơn do Trần Quang Diệu (chồng của bà Bùi Thị Xuân) và Vũ Văn Dũng chỉ huy đến vây thành Bình Định. Nguyễn Phúc Ánh liền đem đại binh ra, nhưng không giải cứu được. Đầu năm 1801, thành này lại càng bị vây ngặt. Liệu không thể phá vòng vây được, Nguyễn Phúc Ánh cho người lẻn vào bảo Võ Tánh và Ngô Tùng Châu bỏ thành mà ra, nhưng Võ Tánh phúc thư lại rằng: "...quân tinh binh của Tây Sơn ở cả Quy Nhơn, vậy xin đừng lo việc giải vây vội, hãy nên kíp ra đánh lấy Phú Xuân thì hơn". Đồng ý với đề nghị của Võ Tánh, Nguyễn Phúc Ánh đem quân ra đánh lấy được Phú Xuân vào tháng 6 năm 1801. Vua Cảnh Thịnh thua phải chạy ra bắc và đổi niên hiệu là Bảo Hưng.

Sau khi lấy Phú Xuân, Nguyễn Phúc Ánh cử Lê Văn Duyệt đem quân giải vây thành Bình Định, nhưng đến Quảng Ngãi thì đụng độ với quân Tây Sơn nên chưa tiến được. Trần Quang Diệu và Vũ Văn Dũng được tin Phú Xuân thất thủ, càng đốc quân đánh thành Bình Định dữ dội, quân Nguyễn ở trong thành hết cả lương thực, không thể chống giữ được nữa. Võ Tánh bèn viết thư sai người đưa ra cho Trần Quang Diệu nói rằng: "Phận sự ta làm chủ tướng, thì đành liều chết ở dưới cờ, còn các tướng sĩ không có tội gì, không nên giết hại". Đoạn sai người lấy rơm cỏ, đổ thuốc súng vào tự đốt mà chết. Ngô Tùng Châu cũng uống thuốc độc tự tử. Sau khi chiếm được thành, Trần Quang Diệu xúc động trước sự trung dũng của Võ Tánh và Ngô Tùng Châu, nên cho người tẩm liệm tử tế thi hài hai ông, rồi tha cho các tướng sĩ nhà Nguyễn như yêu cầu của Võ Tánh. Đến tháng 4 năm 1802 thì Lê Văn Duyệt lấy lại được thành Bình Định. Như vậy, vùng đất từ sông Gianh vào đến Gia Định lại thuộc về nhà Nguyễn như trước.

Tháng 6 năm 1802 Nguyễn Phúc Ánh làm lễ lên ngôi Hoàng Đế và chọn niên hiệu là Gia Long (Gia lấy từ Gia Định và Long lấy từ Thăng Long, để tượng trưng sự thống nhất Nam - Bắc). Lên ngôi xong, vua Gia Long đưa quân tiến ra bắc, quân Tây Sơn dần dần tan rã, vua Bảo Hưng cùng với hoàng tộc và các tướng bị bắt.

Như vậy, nhà Tây Sơn từ lúc Nguyễn Nhạc xưng vương cho đến đời vua Cảnh Thịnh (Bảo Hưng) tồn tại được 24 năm (1778-1802).

Cuộc chiến Nguyễn Phúc Ánh - Tây Sơn kéo dài 25 năm, bắt đầu từ khi Nguyễn Phúc Ánh mới 15 tuổi khởi binh vào năm 1777, kết thúc khi Tây Sơn bại trận và Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi vua hiệu Gia Long vào năm 1802, thống nhất đất nước sau gần 3 thế kỷ chia cắt, chiến tranh.

Vua Gia Long đặt quốc hiệu là Việt Nam và chọn Phú Xuân làm kinh đô. Là vị vua đầu tiên của một nước Việt Nam thống nhất, vua Gia Long hiểu rõ tính mỏng manh của quốc gia mới cũng như các mâu thuẫn dễ dẫn tới nội chiến lần nữa. Do đó, nhà vua đã cho tiến hành một cách từ tốn việc tập quyền trung ương; duy trì nhiều chính sách trung dung, mềm dẻo và thực dụng. Cuối đời Tây Sơn chính sự thối nát, phong tục hủy hoại nên việc cai trị rất khó khăn, vua Gia Long phải sắp đặt lại từ đầu, chỉnh đốn pháp luật, sửa sang phong tục, xếp đặt lại cơ cấu điều hành quốc gia.

Đối với họ Trịnh, mặc dầu hai bên đánh nhau ròng rã 45 năm trời, vua Gia Long vẫn ra chiếu dụ rằng: "Tiên đế ta với họ Trịnh vốn là nghĩa thông gia. Trung gian Nam Bắc chia đôi, dần nên ngăn cách, đó là việc đã qua của người trước, không nên nói nữa. Ngày nay, trong ngoài một nhà, nghĩ lại mối tình thích thuộc bao đời, thương người còn sống, nhớ người đã mất, nên lấy tình hậu mà đối xử. Vậy nên cùng báo cho nhau, họp chọn lấy một người trưởng họ, giữ việc thờ cúng để giữ tình nghĩa đời đời".

Còn đối với Tây Sơn, vì trong thời gian còn tại vị, Nguyễn Huệ cho quật mộ Nguyễn Phúc Luân (cha của vua Gia Long), lại sai người đào hết lăng tẩm 8 đời chúa Nguyễn, lấy tất cả hài cốt ném xuống sông, cũng như đã giết Nguyễn Phúc Thuần cùng thân thuộc, cho nên vua Gia Long đã ra lệnh xử tử vua Cảnh Thịnh cùng với hoàng tộc và các tướng thân cận của Tây Sơn, đồng thời cho đào mả Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ.

Năm 1820, vua Gia Long mất, ở ngôi được 18 năm. Con thứ tư là Nguyễn Phúc Đảm lên kế vị, lấy niên hiệu là Minh Mạng, đổi quốc hiệu Việt Nam thành Đại Nam, quốc hiệu này tồn tại đến năm 1945. Trong suốt thời gian trị vì của mình, nhà vua đã thay đổi rất nhiều việc, từ nội trị, ngoại giao cho đến những cải cách xã hội cùng những việc trong dòng họ.

Vua Minh Mạng cũng là một học giả, làm thơ, soạn sách văn học, khuyến khích biên soạn các loại sách sử, địa. Nhà vua làm bài Đế hệ thi (*) quy định cách đặt chữ lót cho con cháu của mình và thêm 10 bài gọi là Phiên hệ thi để đặt chữ lót cho con cháu các thế hệ của các anh em mình (tức con trai của vua Gia Long). Vua Minh Mạng có 142 người con: 78 hoàng tử và 64 công chúa.

Mười ba vị vua Nguyễn:

1. Nguyễn Phúc Ánh (1762 - 1820)
Gia Long (1802 - 1820)

2. Nguyễn Phúc Đảm (1791 - 1840)
Minh Mạng (1820 - 1840)

3. Nguyễn Phúc Miên Tông (1807 - 1847)
Thiệu Trị (1841 - 1847)

4. Nguyễn Phúc Hồng Nhậm (1829 - 1883)
Tự Đức (1847 - 1883)

5. Nguyễn Phúc Ưng Ái (Chân) (1853 - 1883)
Dục Đức (1883)

6. Nguyễn Phúc Hồng Dật (1847 - 1883)
Hiệp Hòa (1883)

7. Nguyễn Phúc Ưng Đăng (1869 - 1884)
Kiến Phúc (1883 - 1884)

8. Nguyễn Phúc Ưng Lịch (1871 - 1943)
Hàm Nghi (1884 - 1885)

9. Nguyễn Phúc Ưng Kỷ (1864 - 1889)
Đồng Khánh (1885 - 1889)

10. Nguyễn Phúc Bửu Lân (1879 - 1954)
Thành Thái (1889 - 1907)

11. Nguyễn Phúc Vĩnh San (1900 - 1945)
Duy Tân (1907 - 1916)

12. Nguyễn Phúc Bửu Đảo (1885 -1925)
Khải Định (1916 - 1925)

13. Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy (1913 - 1997)
Bảo Đại (1925 - 1945)

 

Vương triều Nguyễn trải qua hai giai đoạn chính:

- Giai đoạn thứ nhất (1802-1858) được coi là giai đoạn độc lập, các vua nhà Nguyễn nắm toàn quyền lãnh đạo đất nước, trải qua 4 đời vua: Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức.

- Giai đoạn thứ hai (1858-1945) là giai đoạn Pháp xâm lăng và đô hộ Việt Nam, các vua nhà Nguyễn chỉ còn tượng trưng. Tuy nhiên, các vua Hàm Nghi, Thành Thái và Duy Tân đã nổi lên chống lại sự thống trị của Pháp, nhưng thất bại: vua Hàm Nghi bị đày sang Algérie, vua Thành Thái và Duy Tân bị đày ra đảo Réunion. Giai đoạn này kết thúc khi vua Bảo Đại tuyên bố thoái vị vào năm 1945.

Như vậy, các vua Nguyễn trị vì Việt Nam, truyền từ vua Gia Long đến Bảo Đại được 143 năm (1802-1945).

 

 

Thực hiện: Bảo Dũng
Bảo Cẩn
Góp ý: Nguyễn Phước Bảo Dung
Tháng 5.2018

 

Tài liệu được dùng:
- Đại Việt Sử Ký Toàn Thư
- Đại Nam Thực Lục
- Việt Nam Sử Lược

 

 



Sơ lược Triều Nguyễn